徵朝一 位公主
Trưng triều nhất
vị công chúa
玉 譜 錄
Ngọc phả lục
(山腥伶宝-僡皇公主
Sơn Tinh Linh Bảo – Huệ
Hoàng Công chúa)
Cấn
chi đệ nhất bộ Thượng đẳng thần. Quốc triều lễ bộ. Chính bản
Nhớ xưa nước Việt ta, từ Vua Hùng dựng nước, trải hơn hai ngàn
năm, đến Thục An Dương Vương được hơn năm mươi năm thì Triệu Đà cướp mất nước,
cha truyền con nối suốt năm đời. Từ bấy
nước ta nội thuộc Tây Hán và Đông Hán. Hán Quang Vũ sai Tô Định sang làm
Thái thú Giao Châu (tức nước Việt). Tô Định là kẻ tham tàn bạo ngược, người
người ta oán. Hắn làm cho đất nước ta lầm than, dân ta tưởng hết đường sinh
sống.
Thời ấy ở đạo Sơn Tây, phủ Tam Đới, huyện Châu Diên, xã Phấn Thư
có người con gái Hùng tướng quân tên là Nàng Trắc là khách anh hùng trong giới
nữ lưu, là thánh thần trên cõi thế. Nàng căm giận Tô Định bức giết chồng bà là
Thi Sách, bèn cùng em gái là Nàng Nhị xúc tích binh lương, ôm ấp chí lớn. Hiềm
vì buổi đầu chưa có người thao lược kỳ tài nhưng vẫn sẵn sàng thu nạp mọi mọi lớp
lưu vong, đợi thời vùng dậy. Bà vẫn tin rằng đã có vua tất sẽ có bề tôi, như
rồng ẩn dưới núi, không hẹn mà mây vẫn đến, hổ náu mình trong hang núi, không
hẹn mà gió vẫn đưa (tiếng gầm đi xa)!
Bấy giờ ở đạo Sơn Nam, phủ Lý Nhân, huyện Thanh Liêm, trang Thanh
Liêm có nhà ông Trần Khang, lấy vợ người trang Ngoại Khê, khu Đỗ Xá tên là Phạm
Thị Hảo. Sắt Cầm xứng đôi, uyên ương phải lứa. Nhà này ba bốn đời ăn ở thiện
tâm. Một đêm bà Phạm Thị mộng thấy trên tòa Phật tại đỉnh núi, có một tảng đá
tự nó nứt ra một bé gái. Bà Phạm liền đón lấy, tức thì bé gái biến nhập ngay
vào người bà. Bà thấy toàn thân rung động, tâm thần cảm kích. Tỉnh mộng, bà đem
chuyện ấy kể với ông Khang chồng bà. Ông Khang đoán rằng: “Đó là điềm lành,
chứng tỏ phúc đức nhà ta chưa cạn!” Từ đó bà Phạm Thị có thai. Sau 12 tháng,
đến năm Canh Tí, tháng tám, ngày mồng năm, bà sinh hạ một gái, mắt phượng, mày
ngài, dung nhan cực kì tươi đẹp, đến một trăm ngày ông bà đặt tên là nàng Linh
Bảo, rồi lại giá danh là Sơn Tinh Linh Bảo. Ngày qua tháng lại cho tới trưởng thành,
theo đòi học tập, cầm kì thi họa không môn nào không biết, cung tên binh pháp
không môn nào là không tinh thông. Người
thời ấy vẫn tôn xưng là bậc kỳ nữ. Đến 16 tuổi, mày cong lá liễu, mặt ánh đào
hoa thành bậc nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. Bấy giờ mối mai ong bướm đầy
ngõ, chật sân nhưng cung Hằng Nga vẫn khóa, nhụy ngọc còn phong, duyên trời
chưa định chốn. Mãi đến 18 tuổi, nàng định lấy một người cùng trang là Lê Cán
nhưng chẳng may, cơn gia biến ách sung ập đến cha mẹ nàng kế nhau mà mất cả. Từ
đó gia thế trở lên cô bần, cửa nhà xơ xác, bốn vách gió lùa, ruộng không, cỏ
mọc….
Ngày nọ nghe tin đại khởi nghĩa binh ở cửa sông Hát, nàng bèn bái
tạ gia đường, lên thẳng Hát môn yết kiến Nàng Trắc. Nàng Trắc thấy nàng là
người kỳ tài, bèn phong nàng là Sơn Tinh Linh Bảo – Huệ Hoàng Công chúa, rồi Nàng
Trắc truyền hịch đi các quận huyện, cổ võ việc cần vương, diệt giặc. Một thời
gian, ứng mộ được hơn bảy vạn nam nữ tướng binh thao lược rồi chọn ngày lập đàn
tế thiên địa bách thần. Nàng Trắc khấn nguyện rằng: “Tôi là một người con gái,
hằng khổ tâm về nỗi sinh linh lầm than, oán kẻ Bắc quốc là Tô Định thái thú, mang
thói chó dê tàn ngược áp bức nhân dân. Thiếp là con cháu họ Hùng không thể đang
tâm điềm nhiên ngồi nhìn, bèn khởi nghĩa binh tiêu trừ ác tặc, cúi trông thiên
địa bách thần âm phù cho thiếp khôi phục được giang sơn cũ, xin đội đại ơn đại
đức thiên địa bách thần muôn vàn.” Lễ xong, cử binh chia đường tiến phát thẳng
tới thành Tô Định mở một trận đại chiến, chém được mấy trăm đầu giặc dữ, Tô
Định phải trốn chạy về Bắc quốc. Ta thu 65 thành về giang sơn cũ. Nàng Trắc tự
lập làm vua, lấy họ Trưng, ấy là Trưng nữ vương. Trưng Vương phong cho em là
Trưng Nhị làm Bình Khôi Công chúa, và phong thưởng tướng sĩ theo công lao khác nhau.
Phong cho Sơn Tinh Linh Bảo là “Sơn Tinh Linh Bảo Huệ Hoàng Chính cơ Công chúa,
lưu tại triều làm phụ chính. Từ bấy thấm nhuần ơn mưa móc, vua tôi quả là duyên
hương lửa đằm thắm.
Nàng Sơn Tinh ở lại triều nhậm chức, phàm có bổng lộc đều phân
chia hết cho người đồng hương đồng quân. Nàng còn dâng biểu tấu chính xin Trưng
vương cho dân trang Thanh Liêm làm dân thần tử và xin miễn cho binh lương thuế
khóa các khoản, được Trưng vương chuẩn cho. Từ bấy cả trang Thanh Liêm được
hưởng phúc trạch lớn lao nên mọi người đều đinh ninh rằng: Nàng có công với dân
như thế, sau này phải nhớ ơn mà thờ phụng chu đáo.
Trưng vương ở ngôi chưa được ba năm thì Phục Ba tướng quân là Hán
Mã Viện, cùng Lưu Long và các tướng khác kéo 30 vạn hùng binh sang đánh để rửa
nhục cũ, quân thề vang trời. Trưng Vương cùng các tướng tiến quân lên thành
Lạng Sơn cự chiến, gần một năm chưa phân thắng phụ. Nhưng vì ta lương ít, binh
mỏng bèn lui quân về giữ Cấm Khê. Quân Hán thừa thế, kéo xuống vây thành Cấm
Khê rất ngặt. Bà Trưng thấy trước mắt không có lương thảo, sau lưng không có
viện binh, lượng thế khó thoát nên bèn cùng tướng sĩ tựa lưng vào thành quyết
một trận sống mái. Nào ngờ, giữa cuộc chiến, một trận gió bất ngờ thổi tới làm
tốc khăn yếm nữ tướng nữ binh, quân Hán biết thế, liền lũ lượt trần truồng ra
mà lăn xả vào đánh, bên ta quả lâm vào thế bất lợi và thua to. Trưng vương cùng
Sơn Tinh Linh Bảo cưỡi ngựa phi lên núi rồi không biết đi đâu mất. (Đó là ngày
5 tháng 3).
Than ôi cơ đồ Trưng Vương thế là thành một giấc mộng ngày xuân
ngắn ngủi. Duy còn gia thần thị nữ mấy người lần lượt quay về báo cho nhân dân
Thanh Liêm trang biết tin đau đớn này. Nhân dân nhớ công ơn của nàng bèn làm
lễ, cung kính đề thần hiệu Sơn Tinh Linh Bảo nương và mỹ tự để thờ phụng. Từ đó
quốc cầu dân đảo đều rất linh ứng. Các bậc đế vương các triều đại đều gia phong
là Thượng Đẳng thần và mỹ tự ngàn năm hương khói phụng thờ, chưa bao giờ dứt
mạch.
1. Phong Sơn Tinh Linh Bảo Huệ Hoàng Phổ hóa Chính cơ Công chúa,
gia tặng Đoan Chính Trinh thục Thượng Đẳng thần.
Năm Nhâm thân (1572) Hồng Phúc năm thứ 2, tháng 10, ngày lành, Hàn
lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn.
Năm Đinh Tị (1737) Vĩnh Hựu nguyên niên, tháng 10 cát nhật, Quản
giám Bách thần Tri điện Hùng Lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền y chính bản phụng tả.
Bùi Văn Cường dịch tặng nhân dân Thanh Liêm trang (1998)
Mùa xuân năm Đinh Dậu (2017), M黄文甲奉抄Hoàng
Văn Giáp phụng sao chép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét